logo_color

Phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt giúp chuyển đổi số thành công

Phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt giúp chuyển đổi số thành công

Nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và được kỳ vọng sẽ đạt tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025. Một trong những yếu tố chủ chốt để kỳ vọng này trở thành hiện thực là phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc chuyển đổi số.

Tầm quan trọng của nguồn nhân lực số

Dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu và là giải pháp tất yếu để các doanh nghiệp duy trì và phát triển. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công thì doanh nghiệp cần chú ý đến việc phát huy tối đa các nguồn lực, đặc biệt là về con người. Nguồn nhân lực số được xem là yếu tố chủ chốt để triển khai, hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi số và quyết định sự tồn tại của nền kinh tế số. Doanh nghiệp có công nghệ hiện đại và nguồn vốn dồi dào nhưng không có nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng thì sẽ đối mặt với nhiều thử thách trong quá trình chuyển đổi số. Việc chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để làm chủ máy móc, công nghệ số đòi hỏi những nỗ lực dài hạn và liên tục từ phía doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực – “chìa khóa” giúp chuyển đổi số thành công.

Vấn đề về nguồn nhân lực số hiện nay

Nhu cầu chuyển đổi số vẫn đang ở mức cao nhưng nguồn nhân lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực về kỹ thuật số. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật số chỉ chiếm 1% tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam. Đây là tỉ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,8%).

Thiếu nhân lực là một trong những nguyên nhân chủ yếu cản trở chuyển đổi số thành công.

Theo đánh giá của các sở ngành, công nghệ thông tin là một trong những ngành đóng góp đáng kể cho nguồn nhân lực chuyển đổi số. Theo ước tính, nguồn nhân lực mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu về số lượng và 30% về chất lượng. Trong khi đó, dự đoán đến năm 2030, nước ta sẽ cần tới 1,5 triệu nhân lực về công nghệ thông tin. Theo báo cáo thị trường nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 của TopDev, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Trong năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.

Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của nguồn nhân lực và các yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu do doanh nghiệp đặt ra.

Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực số vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Lời giải cho bài toán về nguồn nhân lực

Để giải quyết vấn đề về nhân lực số, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực được xem là yếu tố then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, đề án sẽ triển khai xây dựng các nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs), cho phép mọi người truy cập miễn phí để tự học các kỹ năng số; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, v.v. Bên cạnh đó, đề án còn nêu rõ cần phải xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” tại một số trường đại học phù hợp. Đồng thời, các đơn vị nên tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi.

Để chuyển đổi số thành công, cùng với thể chế và công nghệ, một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số vì thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin. Nhân lực lĩnh vực này của vùng chỉ chiếm 5% trong số khoảng 430.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin của cả nước. Điều này cũng là lý do khiến kinh tế số của ĐBSCL kém phát triển. 

Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt nhân lực chuyển đổi số, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển của vùng, Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo FundGo đã và đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tăng cường phủ sóng kiến thức chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Trong thời gian tới, FundGo sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các trường Cao đẳng, Đại học trong khu vực để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số chất lượng cao.

Bài Viết mới nhất