Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ hứa hẹn là trung tâm logistics của vùng “đất 9 rồng”, phục vụ xuất khẩu gồm: các kho lạnh, kho tổng hợp, kho ngoại quan; IDC (thông quan, kiểm hóa); tích hợp đa phương thức vận tải…
“Siêu” Trung tâm logistics 3.300ha sẽ được xây dựng ở TP Cần Thơ
Đề án Xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ là 1 trong 6 nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, Trung tâm có quy mô dự kiến đến năm 2050 là 3.300 ha tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.
Trung tâm gồm các phân khu: Cung ứng dịch vụ logistics, xuất khẩu với 100 ha; phi thuế quan 100 ha; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ 25 ha; khu sản xuất, chế biến với 215 ha.
Việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”. Nơi đây sẽ có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Liên kết vùng bao gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng nhất của trung tâm – mang tính dẫn dắt, định hướng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng. Đồng thời, quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL thông qua nền tảng thương mại số, mạng xã hội và phương tiện truyền thông khác.
Đây sẽ là trung tâm logistics của cả vùng phục vụ xuất khẩu gồm: các kho lạnh, kho tổng hợp, kho ngoại quan; IDC (thông quan, kiểm hóa); các dịch vụ logistics; tích hợp đa phương thức vận tải. Đây cũng là trung tâm chế biến tinh của vùng, gồm các nhà máy, doanh nghiệp chiến biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hoạt động theo cơ chế thông minh hóa với các lĩnh vực chế biến như: lúa gạo, rau quả, thủy sản; vận hành hệ thống xử lý chất thải thống nhất toàn trung tâm.
Trung tâm cũng có chức năng nghiên cứu, phát triển, hội tụ các giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cung cấp, chuyển giao cho các đơn vị sản xuất trong vùng.
Về xây dựng hạ tầng, trung tâm mời gọi các nhà đầu tư năng lực và uy tín đảm bảo hình thành hạ tầng của trung tâm vừa thuận tiện trong vận tải hàng hóa đến và đi từ mọi hướng và mọi phương thức. Trung tâm sẽ là một công trình biểu tượng khoa học công nghệ của Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung tâm cũng mời gọi các nhà đầu tư và các đối tác sở hữu công nghệ cao trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chia sẻ và nông nghiệp số trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; sản xuất, chế biến; cung ứng dịch vụ xuất khẩu, tiêu thụ nông sản…
Bài toán nông sản “được mùa, rớt giá” liệu có lời giải?
Tại Hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, ngày 11/5, ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, trên thế giới đã phát triển khá mạnh những mô hình liên kết cụm ngành, trung tâm kết nối. Các mô hình này góp phần nâng cao giá trị gia tăng nông sản, quản lý tốt nguồn cung, kết nối các lĩnh vực, hình thành trung tâm cung cấp hỗ trợ dịch vụ, kết nối thị trường, tạo việc làm, nâng cáo giá trị kinh tế. Với Việt Nam, đây là mô hình mới.
Do đó, đề án cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến phát triển các trung tâm, chợ đầu mối, các cụm ngành và tính liên kết trong sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản và các dịch vụ hỗ trợ; trong đó có logistics.
“Việc vận hành trung tâm ứng dụng và phát triển một số dịch vụ như đấu giá, phát triển sàn giao dịch sẽ như thế nào? Có xây dựng cơ chế PPP trong một số hạng mục đầu tư không?”, ông Trần Công Thắng đưa ra vấn đề.
Góp ý về thành lập ICD, đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu trung tâm thu hút được doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì việc có cơ quan ICD sẽ rất quan trọng. Ngành hải quan sẽ hỗ trợ việc thành lập, bố trí nhân lực, quy trình thủ tục… nếu trung tâm được thành lập.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, đề án cần làm rõ mô hình hoạt động của trung tâm, từ đó làm rõ hơn các chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ.
Đề án cần làm rõ lộ trình xây dựng các hợp phần của trung tâm trên cơ sở xây dựng phương án phân kỳ vốn đầu tư thực hiện các khu chức năng.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Đại học Cần Thơ), việc thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL là một tín hiệu đáng mừng cho nông sản trong khu vực.
Ngoài ra, Trung tâm đặt ở TP Cần Thơ là một lợi thế khi gắn với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ (nằm trong chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ). Theo đó, phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy rất thấp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và hàng hóa cạnh tranh hơn.
Nắm bắt những định hướng chiến lược của Chính phủ, FundGo đang lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xuất khẩu, lấy dự án “siêu kho lạnh” làm bước tiến đầu tiên. Kho lạnh được xây dựng theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đảm bảo khả năng lưu trữ sản phẩm và chất lượng hàng hóa cho thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung. Theo đó, thành phố Cần Thơ sẽ trở thành một “điểm đến đa dịch vụ” với vai trò gắn kết nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời liên kết ba vùng nguyên liệu, chế biến – sản xuất và tiêu thụ của khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung.
FundGo hy vọng có thể triển khai thêm nhiều dự án đầu tư chiến lược nhằm góp phần vào đường lối phát triển mà Chính phủ đã đề ra, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của khu vực.